Qua lửa mới biết vàng thau

Thứ ba - 11/10/2011 00:58
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Các chiến sĩ Cảnh sát PCCC là những người đã được "tôi luyện" qua lửa theo đúng nghĩa đen
 và trải qua gian nan cũng theo đúng nghĩa đen. Bởi vậy mà những người còn trụ lại được với nghề, gắn bó với nghề là những "thỏi vàng" thực sự.
Sáng 10/5, tại Nghệ An, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PCCC và CNCH) sẽ tổ chức giao lưu "50 năm lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH làm theo lời Bác"; với sự tham dự của 200 đại biểu, đại diện các thế hệ làm công tác PCCC qua các thời kỳ. Đây là dịp để lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH ôn lại truyền thống vẻ vang, đồng thời nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Những người lính chỉ mong được… thất nghiệp

Họ là những người lính mang trang phục thoáng nhìn như "người ngoài hành tinh". Khi có đám cháy hoặc trường hợp tai nạn, tai họa; trong lúc mọi người cố thoát khỏi vùng nguy hiểm thì họ dũng cảm băng mình vào nơi hiểm nguy để cứu người, cứu tài sản… Đó là những người lính PCCC - đảm trách nhiệm vụ đặc biệt mà Bác Hồ đã từng "Chúc các chú thất nghiệp". Làm theo lời Bác Hồ dạy, nhiều tập thể và cá nhân lực lượng PCCC đã lập thành tích xuất sắc, với 15 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Cách đây tròn 50 năm, với Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC được do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký; công tác PCCC đã được xác định rõ vị trí, nhiệm vụ. Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Cảnh sát PCCC đã lập những chiến công xuất sắc, trong đó có vụ chữa cháy tại Tổng kho xăng dầu Đức Giang (Hà Nội).

Là một nhân chứng sống, Đại tá Đỗ Văn Sơn - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hiện nay, nhớ lại: Năm 1972, mới 19 tuổi, vẫn đang còn đi học, ông cùng 120 bạn học được điều động tham gia trận chữa cháy lịch sử cứu Tổng kho xăng dầu Đức Giang. "Tôi lúc đó chưa biết gì về chữa cháy, mới đang học động tác vác vòi, quần áo bảo hộ còn chưa được phát, đầu đội mũ lá, chân đi dép cao su đi chữa cháy". Cái buổi chiều ngày 16/4/1972 đó, khi lực lượng cứu hỏa đến, kho xăng dầu đã là một biển lửa khổng lồ... "Trong đám cháy, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một đồng chí chạy thoăn thoắt trong khói lửa, lấy giẻ ướt nhét vào từng lỗ thủng do trúng bom trên toa xăng vừa ngăn xăng dầu chảy ra ngoài và không cho lửa bén vào. Lúc đó tôi nghĩ sao mà lại có người anh hùng đến thế. Hình ảnh đó đã truyền cho tôi rất nhiều sức mạnh, mỗi lúc khó khăn tôi lại nghĩ đến" - Đại tá Đỗ Văn Sơn nhớ lại.

Trong những năm gần đây, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia nhiều trận chiến lịch sử như 23 ngày đêm đối đầu với giặc lửa để cứu hàng ngàn hécta rừng U Minh Thượng năm 2002; vụ chữa cháy chung cư JSC34, đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) vào ngày 10/3/2010, đưa được hàng chục người dân ra từ trên các tầng cao của tòa nhà thoát khỏi đám cháy khủng khiếp.

Chiến đấu chống giặc lửa tại rừng U Minh.

Vàng phải qua lửa

Nghề của họ đương nhiên là một nghề nguy hiểm. Bởi vậy khi được hỏi, phẩm chất nào là quan trọng nhất đối với một người lính cứu hỏa, Đại tá Đỗ Văn Sơn trầm ngâm: "Có lẽ là lòng dũng cảm". Kiến thức có thể học, sức khỏe có thể rèn luyện, nhưng nếu không có lòng dũng cảm sẽ không bao giờ dám đương đầu với đám cháy...

Ngoài những nguy hiểm lớn, thì còn vô vàn những khó khăn nhỏ nhặt khác như việc chữa cháy thông tầm, quá nóng nực, bức bối, phải rửa tay chân, mặt mũi bằng nước hút từ kênh rạch để đến nỗi phải sống chung với ghẻ lở, ngứa ngáy; hay phải thích ứng được với việc vừa phải lơ lửng trên cao vừa chữa cháy, cứu người…

Tâm sự về nghề, Đại tá Đỗ Văn Sơn hài hước: Hễ "chuông reo là chạy". "Cứu người như cứu hỏa" - dân gian đã ví von như vậy đủ để biết rằng công việc của họ khẩn cấp như thế nào. Từ đó mới có nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười" của những chiến sỹ PCCC: đầu "một mất một còn" là chuông reo khi đang cắt tóc, rồi đang tắm, đang ăn cơm..., hễ có báo động là phải khẩn trương xuất phát. Không ít anh lính trẻ thường xuyên bị người yêu "chiến tranh lạnh" vì "cái tội" đang tâm sự mà đột ngột biến mất...

Những căn bệnh liên quan đến sức khỏe khác, tiếc thay hiện ở nước ta vẫn chưa ai nghiên cứu, dù các nhà khoa học trên thế giới đã kết luận tỷ lệ mắc ung thư của nhân viên cứu hỏa cao gần như gấp đôi người thường, do phải thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại như benzene, chloroform và xút... "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Họ là những người đã được "tôi luyện" qua lửa theo đúng nghĩa đen, và trải qua gian nan cũng theo đúng nghĩa đen. Bởi vậy mà những người còn trụ lại được với nghề, gắn bó với nghề là những "thỏi vàng" thực sự.

"Tôi không mong mọi người xem chúng tôi như những anh hùng. Tôi chỉ mong sao người dân hiểu hơn về PCCC, hiểu được rằng sơ xuất rất nhỏ, nhưng hậu quả lại vô cùng lớn... Có lẽ không ai như chúng tôi, luôn mong những lời Bác Hồ chúc trở thành sự thực, mong mình thất nghiệp dài dài".

Trò chuyện với Đại tá Đỗ Văn Sơn cũng như một số cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH, chúng tôi càng nhận thức rõ cuộc chiến gian nan, nguy hiểm với giặc lửa, cũng như nhiệm vụ nặng nề của những người lính PCCC, những người mà thực tế đã khẳng định: Qua lửa mới biết vàng thau.

Theo cand.com.vn

Nguồn tin: pccc.hochiminhcity.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sơ đồ quy trình công nghệ

Sơ đồ quy trình công nghệ THIDACO

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến công ty Thiên Đăng từ thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi