Những người xông vào biển lửa

Thứ ba - 11/10/2011 00:56
Tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, lính cứu hỏa phải chiến đấu với lửa để giành giật lại tính mạng và tài sản của những con người đang lâm nạn

Suốt nhiều tháng theo chân lính cứu hỏa của Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TPHCM (Sở CSPCCC), chúng tôi phần nào hiểu được tinh thần dũng cảm, xả thân và sự hy sinh thầm lặng của các anh. 

Tự hào là lính chữa cháy

NHỮNG TRẬN ĐÁNH ĐỂ ĐỜI
Lực lượng CSPCCC Công an TPHCM được thành lập ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng trên cơ sở tiếp quản Sở Cứu hỏa Đô Thành Sài Gòn. Ngày 15-5-2006, Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thành lập Sở CSPCCC TPHCM thuộc Bộ Công an.

Vụ cháy lớn nhất tại TPHCM từ trước đến nay xảy ra tại tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), ngay ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi, quận 1. 13 giờ 30 ngày 29-10-2002, một ngọn lửa lớn bùng phát từ vũ trường Blue thuộc Trung tâm thương mại quốc tế, sau đó lan rộng và bốc lên dữ dội. 

Hợp tác của Sở CSPCCC TPHCM và các sở CSPCCC của Pháp

Tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế gồm sáu tầng, trong đó có các văn phòng của Anh, Australia, Bỉ, Đức, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. Tầng một chủ yếu kinh doanh vàng bạc, tầng hai đến tầng bốn là các văn phòng, nhà hàng và gian bày bán sản phẩm cao cấp. Thiệt hại lớn nhất là văn phòng Công ty bảo hiểm quốc tế Mỹ (AIA), đóng tại tầng ba và tầng năm với 30 người bị thương, 6 người mất tích.

Có mặt tác nghiệp thời điểm đó, chúng tôi trông thấy một số người hoảng loạn tìm cách thoát thân, có người trèo qua cửa sổ, có người nhảy từ tầng cao xuống. Thành phố đã huy động toàn bộ lực lượng phòng cháy chữa cháy của công an, quân đội và sân bay Tân Sơn Nhất gồm 30 xe cứu hỏa tham gia dập lửa. Lãnh đạo thành phố đã trực tiếp chỉ đạo và yêu cầu phải cứu người bằng mọi giá. Đại tá Nguyễn Chí Dũng (nay là thiếu tướng) - nguyên Giám đốc Công an TPHCM có mặt tại hiện trường, chỉ huy lực lượng công an gồm hơn 1.000 người tham gia cứu hộ. Đến 17 giờ 30 phút ngọn lửa bắt đầu được khống chế. Nguyên nhân được xác định là chập điện, toàn bộ tầng bốn của tòa nhà bị thiêu rụi. Có 54 người thiệt mạng, trong đó có hai người nước ngoài. Hơn 60 người khác bị thương đã nhanh chóng được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn và Trung tâm chỉnh hình TPHCM. Số người tử vong và bị thương chủ yếu là do nhảy từ tầng cao xuống.

 

Diễn tập chữa cháy tại chung cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh

Chín năm sau ngày xảy ra thảm họa, chúng tôi gặp những sĩ quan công an, tham gia trực tiếp vào việc chữa cháy. Thượng tá Nguyễn Danh Thành - Phó trưởng Phòng CSPCCC quận 1, chỉ huy chữa cháy giai đoạn đầu - nhớ lại: “Khi xe chữa cháy mới chạy đến ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Khắc Nhu thì chúng tôi thấy biển lửa quá lớn. Lãnh đạo phòng huy động hết các đội đến hiện trường. Lúc đó, chúng tôi không nghĩ đến ăn uống mà chỉ tìm cách dập lửa”. Ông Thành nhớ mãi hình ảnh một người đàn ông bị mắc kẹt ở tầng bảy “phi thân” qua cột điện để tránh lửa rồi mắc kẹt trên ngọn cây. Lính chữa cháy phải dùng xe thang mới cứu được. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, không kể quốc tịch, màu da, những người dân xung quanh đã tham gia cứu chữa, giữ thang sắt khỏi rung để đưa người thoát xuống.

Đây cũng là một trong những “trận đánh” đầu tiên của trung úy Huỳnh Văn Tuấn - một trong năm công dân trẻ tiêu biểu của thành phố năm 2010. Vẫn còn nhớ như in ngày đau thương, Tuấn kể lại tiểu đội cấp cứu của anh phải lao vào tòa nhà đang cháy hừng hực. Vì ngọn lửa quá lớn nên các anh bị “đánh” bật ra, lính chữa cháy phải tìm lối đi khác để nhanh chóng áp sát hiện trường. Nhiệt độ bên trong lên đến 500 độ C. Lính cứu hỏa phải phun nước lên trần cho nhiễu xuống để giúp tổ cấp cứu đưa xác nạn nhân ra ngoài. Nhiều người bị cháy đen không nhận ra nên lính chữa cháy phải quan sát quanh chỗ nạn nhân nằm để tìm các vật dụng như: cây bút, cặp tóc, đồng hồ... cùng đem xuống để người nhà nhận diện.

Suốt 36 năm kể từ ngày thành lập, thành phố đã xảy ra khoảng 7.000 vụ cháy. Ngoài vụ cháy ở ITC, người dân còn chứng kiến đám cháy tại chợ Kim Biên - chợ hóa chất và chợ Nhật Tảo - chợ điện tử, điện máy lớn nhất thành phố. Vụ cháy chợ Nhật Tảo xảy ra lúc 12 giờ ngày 19-4-2009 tại góc đường Nhật Tảo - Nguyễn Tri Phương, P4Q10. Trong lúc các tiểu thương ngủ trưa, một tia lửa trên bóng đèn trụ điện đã gây ra thảm họa. Sau đó, lửa lan sang các dây điện chằng chịt. Hàng trăm tiểu thương hoảng hốt di tản đồ đạc. Lính cứu hỏa như những cảm tử quân. Họ xông vào biển lửa và khi họ trở ra thì ngọn lửa đã bị khuất phục hoàn toàn.

Từ ngày thành lập, lính cứu hỏa trực tiếp tham gia chữa cháy trên 7.000 vụ đạt hiệu quả cao, điển hình như các vụ chữa cháy tại kho đạn Đồng Dù, huyện Củ Chi, TPHCM, kho đạn sân bay Tân Sơn Nhất, Nhà máy dệt Phước Long, Đài truyền hình TPHCM, khu dân cư P1Q5, Tổng công ty IMEXCO...

Ngoài ra, lực lượng CSPCCC Công an TPHCM còn chi viện cho các tỉnh khác chữa các vụ cháy lớn như: Tổng kho Long Bình - Đồng Nai, kho đạn Đồng Tâm - Tiền Giang, kho bom đạn Cẩm Giang - Tây Ninh, rừng U Minh Hạ, U Minh Thượng. Trong chiến đấu với “giặc lửa”, nhiều cán bộ chiến sĩ đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, dũng cảm xông vào lửa đạn, khói, hóa chất để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tránh được thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

ĐỐI MẶT VỚI HIỂM NGUY
Công tác cứu hộ - cứu nạn cũng được củng cố và phát huy tác dụng. Từ năm 2007 đến nay, đội cứu hộ - cứu nạn đã thực hiện trên 199 vụ, cứu sống 28 người bị nước, lửa và các nguy hiểm khác đe dọa. Đây là đơn vị có chức năng và nhiệm vụ trong chữa cháy nhưng có trách nhiệm cứu người trong tất cả các trường hợp và phục vụ điều tra các vụ án khi có yêu cầu.

Trong đêm tối đen, dù là sông sâu, kênh đầy rác, cái giếng hoang hay một công trình đổ sập đang đe dọa đến tính mạng con người, Đội cứu hộ cứu nạn vẫn phải có mặt để tìm vật chứng, tang chứng trong các vụ án. Có những vụ án giết người mà thủ phạm phân nhỏ xác người thành từng khúc, đem phi tang ở các dòng sông, kênh rạch khác nhau, đội phải lặn tìm bằng được xác đã thối rữa để có bằng chứng kết tội hung thủ.

Thành viên Đội cứu hộ cứu nạn còn lâm vào tình trạng nguy hiểm khi mắc kẹt trong các khoang tàu chìm sâu trong nước cả chục mét khi tìm kiếm nạn nhân, dễ bị thương bởi những vật sắc nhọn đâm vào người. Khi lặn tìm tang vật trong các con nước đen ngòm bị lựu đạn rơi rớt lại trong chiến tranh nổ, tai nạn xảy ra là điều không tránh khỏi.

Bằng sự hy sinh thầm lặng đó, các thành viên của đội đã giành lại sự sống cho bao người. Chị Nguyễn Dương Quế P. - nạn nhân được cứu từ vụ sập hầm tại Công ty Sawaco tâm sự: “Hôm đó, tôi bị ngất và bị thương rất nặng nhưng tôi đã được cứu sống. Tôi chân thành cảm ơn rất nhiều tinh thần dũng cảm của các anh cứu hỏa. Tôi hiểu công việc của các anh là rất nguy hiểm”.

Trong công tác chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn, trên 100 cán bộ chiến sĩ (CBCS) đã bị thương, nhiều đồng chí đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Tháng 5-1979, trong khi lặn tìm khẩu súng là vật chứng của bọn tội phạm trong vụ bắt cóc con nghệ sĩ Thanh Nga, hai chiến sĩ Võ Quang Hà và Nguyễn Văn Bảy mò trúng quả lựu đạn. Do lựu đạn nổ nên hai anh đã hy sinh tại chân cầu Bình Lợi, sông Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tốt, cán bộ đội cứu hộ - cứu nạn bùi ngùi nhớ lại: “Tổ công tác đã lặn ròng rã suốt hai ngày đêm. Sự cố xảy ra lúc 14 giờ 30 phút, ở ca lặn cuối cùng để báo cáo kết quả tìm tang vật”.

Nhiều chiến sĩ chữa cháy khác đã hy sinh khi đang độ tuổi xuân. Đó là anh Nguyễn Văn Mót, SN 1977, ra đi khi lái xe đến nơi chữa cháy. Đó là liệt sĩ Lê Văn Hà và Phạm Văn Sáu, hy sinh năm 1991 vì bị điện giật khi đang chữa cháy tại khu dân cư đường Tô Hiến Thành, quận 10. Gần đây nhất, năm 2007, chiến sĩ Phạm Trường Huy đã ra đi khi đang chữa cháy tại Công ty Nam Thuận Hưng, quận 6.

Sở CSPCCC có hàng trăm CBCS bị thương tật trong quá trình tham gia chữa cháy, cứu hộ - cứu nạn hiện đang công tác tại các đơn vị. Thượng tá Nguyễn Văn Tuyền - Phó trưởng Phòng CSPCCC quận Gò Vấp bị thương tật tới 18% trong một vụ chữa cháy ở đường Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp năm 2005. Cũng là người tham gia vụ chữa cháy trên và là một trong bảy người bị thương, chiến sĩ Thái An Khang bị gãy chân trái, bỏng toàn thân, thương tật 31% nhưng vẫn tiếp tục đeo đuổi nghề nghiệp.

Rất nhiều CBCS khác hy sinh thầm lặng cuộc sống riêng tư của gia đình để làm tốt nhiệm vụ được giao. Có người cha mẹ già yếu đang bị bệnh, con đang cấp cứu nằm nhà thương nhưng vẫn không thể bỏ dở công việc để lo toan vì có vụ cháy đang diễn ra.

Lực lượng CSPCCC TPHCM đã được Chủ tịch nước tặng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng Hai, được UBND TPHCM, Bộ Công an tặng nhiều bằng khen và nhiều năm liền đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”.

A LÔ, 114 NGHE!
Giống như số máy 113 của Cảnh sát phản ứng nhanh, số 114 của lính chữa cháy đã trở thành “thương hiệu” trong lòng người dân. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, người dân lập tức bấm số 114. Sau khi nhận tin, chỉ trong vòng một phút, xe và lính chữa cháy phải ra khỏi trụ sở.

Trưa 15-2-2011, nhận được tin cháy ở tòa nhà Golden Tower, tại giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, trung tâm thông tin của Sở CSPCCC lập tức điều động các xe của Phòng CSPCCC quận 1, quận 3 áp sát hiện trường. Hàng chục người được đưa xuống lối thoát hiểm bằng cầu thang bộ để ra khỏi tòa nhà. Trên mặt ai cũng nơm nớp vẻ lo sợ.

Hàng chục chiếc xe chữa cháy lao nhanh trên đường và đỗ xịch trước tòa nhà. Từ trên xe, hàng chục chiến sĩ trong trang phục bảo hộ nhảy vội xuống đất rồi chạy thẳng vào bên trong. Một bộ phận đưa các vòi rồng trên xe chuyên dùng xuống, nối vào xe nước. Sau khoảng 15 phút phun hết công suất, xe hết nước nên lính cứu hỏa phải dùng nguồn nước tại các trụ chữa cháy.

Giữa trưa, nắng cực đỉnh, khuôn mặt các chiến sĩ nhễ nhại mồ hôi. Đại úy Võ Tấn Đạt - cán bộ Phòng 3 (Phòng hướng dẫn chỉ đạo của Sở CSPCCC) - cho biết, nguyên nhân cháy là do chập điện từ máy tính chủ, đặt ở tầng 14. Đây là nơi làm việc của chi nhánh Ngân hàng Techcombank.

Trước Tết Tân Mão 2011, chúng tôi đã theo xe chữa cháy đến hiện trường vụ cháy cửa hàng hóa chất Minh Tâm, số 898A Lạc Long Quân, phường 8, quận Tân Bình. Vì thời điểm xảy ra cháy là ban đêm, chủ nhà đi vắng nên các anh lính trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Sở CSPCCC phải điều động đội trung tâm và đội cứu hộ cứu nạn đến hỗ trợ. Các đội cảnh sát 113 trung tâm, cảnh sát giao thông... cũng có mặt để giữ gìn trật tự.

Do ngọn lửa gặp phải các thùng sơn nên bốc cháy dữ dội, lính cứu hỏa chia làm hai mũi: một “đánh” trực diện, số còn lại phải bắc thang leo qua nhà bên cạnh để cô lập “bà hỏa”. Sau gần một giờ đồng hồ, đám cháy được dập tắt, một chiến sĩ cứu hỏa bị thương, được đồng đội nhanh chóng dìu ra ngoài cấp cứu. Trong màn đêm đặc quánh, những người lính chữa cháy bước ra khỏi căn nhà cháy rụi như những người anh hùng trước mắt người dân.

Thượng tá Nguyễn Danh Thành - Phó trưởng Phòng CSPCCC quận 1 - cho biết, đơn vị quản lý quận 1, 10, các địa bàn phải phối hợp để chi viện gồm các quận 3, 4, 5, 8... Ngoài đảm trách địa bàn các quận trung tâm, phòng còn chi viện cho hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Thượng tá Thành vào nghề chữa cháy từ năm 1979, đến nay thâm niên của anh đã 32 năm. Kỷ niệm nhớ nhất của anh là chỉ huy vụ chữa cháy tại Công ty Minh Trung, ở đường Lý Thái Tổ. Ngọn lửa hung tàn đã thiêu rụi tầng trệt, phá hủy 60 xe gắn máy, làm sáu người chết.

Trước Tết, hai vụ cháy đã xảy ra tại trung tâm thành phố. Ngày 12-1-2011, tại góc đường Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm, ngọn lửa bùng phát dữ dội, làm thiệt hại ba căn nhà. Lính cứu hỏa đã tập trung lực lượng, khống chế ngọn lửa, không để lây lan sang hàng chục căn nhà khác.

Trưa 30 Tết, giữa lúc mọi nhà đang hối hả chuẩn bị đón giao thừa thì lính chữa cháy phải lên đường. Phía sau rạp Công Nhân ở đường Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, ngọn lửa thiêu rụi một căn nhà, làm chết một người. Phải vất vả tập trung mọi “hỏa lực” mới dập tắt được đám cháy.

Cách chữa cháy của lính cứu hỏa luôn biến hóa khôn lường. Nếu chất cháy là xăng dầu thì phải dùng hóa chất foam (hóa chất và nước, bọt dẻo) để ngăn cách ôxy. Còn nếu cháy nhà máy đường khi phun nước vào thì lửa sẽ phựt dữ dội. Trong trường hợp này, phải dùng chất ngăn cách.

Hiện nay, nhiều họng nước cứu hỏa bị xuống cấp nên rất khó khăn khi tác nghiệp. Để khắc phục, các anh phải thường xuyên đi kiểm tra, sửa chữa vì nếu mở nắp ra, hút vào guồng bơm mà nguồn nước bị nghẹt sẽ làm hỏng xe. Thông thường, xe chữa cháy loại thường hút được hơn hai nghìn lít nước, xe lớn được bốn, năm nghìn lít. Trong các tình huống hết nước, lính chữa cháy phải trưng dụng xe chở nước của công ty công viên cây xanh, tăng áp lực nước của đường ống hoặc hút nước từ bồn chứa của các cơ quan bên cạnh. Có lần, chữa cháy ở một công ty tại quận Thủ Đức xong, lính chữa cháy nhận được phản hồi của cơ quan cạnh đó là phải... trả tiền nước vì đã hút nước của họ.

Trung úy Nguyễn Văn Nhôm - Đội trưởng Đội chữa cháy, một trong bốn chiến sĩ thi đua của phòng... cho biết, lính cứu hỏa nghe tiếng báo động là xông trận, bất kể ngày nắng hay đêm mưa. Đối với các đám cháy thông thường, phòng sẽ xuất một đoàn gồm bảy xe (một xe chỉ huy, ba xe nước, một xe thang, một xe bơm, một xe chở vòi), nếu lớn hơn thì huy động 13 xe.

Một trong những chiến sĩ trẻ nhất của đơn vị là hạ sĩ Hồ Chí Dũng, SN 1986, được điều động về phòng ngày 7-10-2009. Quê ở đất thép Củ Chi, sinh trưởng trong một gia đình bộ đội, Dũng rất tự hào khi khoác lên người bộ đồ lính cứu hỏa. Nhiều lúc đang tắm nhưng nghe còi báo động, anh chạy ra xe mà trên đầu còn nguyên bọt xà bông.

Trung sĩ Nguyễn Ngọc Thành, SN 1986, nhớ nhất là lần chữa cháy trưa 30 Tết vừa qua. Giữa lúc đơn vị đang tổ chức ăn Tết cho CBCS thì nhận lệnh đi chiến đấu. Chữa cháy xong, trở về thì đồ ăn thức uống đã lạnh tanh khiến chẳng ai muốn ăn.
Đã năm năm liền Phòng CSPCCC quận 1 đạt đơn vị quyết thắng, được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an và UBND thành phố.

TPHCM: Sẽ có máy bay trực thăng chữa cháy, cứu hộ
- P.V: Thưa ông, từ đầu mùa khô đến nay, TPHCM đã xảy ra bao nhiêu vụ cháy? So với cùng kỳ năm ngoái, mức độ thiệt hại ra sao?

- Thiếu tướng Trần Triều Dương: Từ tháng 10-2010 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 57 vụ cháy, giảm 34 vụ so với cùng kỳ năm trước. Các vụ cháy đã làm một người chết (giảm ba người), bị thương hai người (giảm 13 người) so với cùng kỳ, tài sản thiệt hại ước tính 1 tỷ 618 triệu đồng, giảm 48,983 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Nơi xảy ra cháy nhiều nhất là các khu dân cư (24/57 vụ), khu vực kinh doanh cá thể, doanh nghiệp, công ty TNHH (18/57 vụ). Nguyên nhân cháy do điện (25 vụ), do bất cẩn (9 vụ). 

Thiếu tướng Trần Triều Dương

- Các biện pháp kéo giảm số vụ cháy là gì, thưa thiếu tướng?

- Bên cạnh việc tham mưu cho các cấp lãnh đạo ban hành các văn bản về PCCC, Sở CSPCCC còn tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác tuyên truyền cho hơn 43 nghìn người, tăng cường công tác kiểm tra cơ sở... Các đơn vị trực thuộc sở thường xuyên tập luyện, từng bước chính quy, tinh nhuệ, sẵn sàng chiến đấu ở mức độ cao.

Hiện nay, sở có 27 đơn vị, 15 phòng ở các quận, huyện với tổng số 171 xe, 8 canô, 1 tàu chữa cháy và một xe trạm bơm công nghệ chữa cháy 1-7. Đây là xe chữa cháy có nguyên lý làm việc tự động, ưu điểm hơn xe thường, sử dụng công nghệ hiện đại, chỉ có ở một số nước châu Âu, lần đầu tiên sử dụng tại Việt Nam. Xe này chữa cháy được nhiều loại hóa chất, dập đám cháy nhanh, tiết kiệm nước, hóa chất chữa cháy (foam), chữa được đám cháy khi đang có điện (kể cả tổ máy có công suất 3.500KVA) và không gây ô nhiễm môi trường.

- Tại nhiều nơi trong thành phố, các trụ cứu hỏa bị hư hỏng nặng, điều này gây khó khăn như thế nào cho công tác chữa cháy?

- Chúng tôi thường xuyên cử các đội nghiệp vụ xuống các địa bàn để kiểm tra các họng nước công cộng. Nhiều chỗ bị xuống cấp, nếu bơm nước vào sẽ làm hư xe. Để khắc phục chúng tôi phải liên tục tiến hành sửa chữa. Việc bảo vệ các trụ nước cứu hỏa, bên cạnh trách nhiệm của Sở CSPCCC còn có trách nhiệm của từng địa phương, của mỗi người dân.

Theo Luật PCCC và cứu hộ cứu nạn, phòng chống “giặc lửa” là trách nhiệm của mỗi người. Sự biến đổi khí hậu, sóng thần, động đất như tại Nhật Bản mới đây đều có thể gây ra cháy nổ. Do đó, mỗi người phải quan tâm đến công tác phòng cháy, chủ động quản lý nguồn điện, ra khỏi nhà nên tắt điện. Mỗi gia đình, tổ dân phố, cơ sở sản xuất đều phải trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy ban đầu. Sở CSPCCC luôn cử người đi huấn luyện tại cơ sở.

- Được biết, Sở CSPCCC vừa đến Pháp để học hỏi về các thiết bị chữa cháy hiện đại, ông có thể cho biết về kết quả của chuyến đi?

- Được cấp trên giao, chúng tôi đã đi nước ngoài để học tập. Chuyến đi vừa rồi, chúng tôi đã tới hãng EuroCopter để tham quan. Hãng này là một trong những hãng sản xuất trực thăng tiên tiến nhất thế giới, do nhiều nước liên minh sản xuất. Trong tương lai, vào năm 2015 Sở CSPCCC sẽ được trang bị trực thăng để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tại những buổi làm việc với Sở CSPCCC của Pháp, các đồng nghiệp nước bạn rất nhiệt tình trao đổi với chúng tôi các mô hình chữa cháy.

Chúng tôi đã làm việc với học viện huấn luyện sĩ quan chữa cháy cao cấp của Pháp. Sắp tới, sẽ có nhiều cán bộ của sở sẽ được cử sang Pháp đào tạo.

- Sau sự ra đời thành công của Sở CSPCCC TPHCM, theo thông tin chúng tôi có được sẽ có một số tỉnh cũng lập Sở CSPCCC?

- Đúng vậy. Ngoài TPHCM, sẽ có bảy tỉnh, thành phố được thành lập Sở CSPCCC là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai và Vĩnh Phúc vì các tỉnh, thành phố này tập trung nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất.

- Xin cảm ơn thiếu tướng.

M.N ( Theo Congan.com.vn)

Nguồn tin: pccc.hochiminhcity.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Lời ngỏ

Lịch sử phát triển của xã hội loài người chúng ta đã chứng minh được tầm quan trọng của công nghệ. Nhờ việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, loài người chúng ta đã từng bước chuyển từ vị thế phải phụ thuộc vào tự nhiên, sang làm chủ thế giới, khai thác được tự nhiên để phục vụ cuộc...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến công ty Thiên Đăng từ thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi